Bảo vệ trẻ trước những mặt trái của mạng xã hội
Trong thời đại công nghệ số, mạng xã hội trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống xã hội, kể cả đối với trẻ em và thanh thiếu niên. Mặc dù mang lại nhiều cơ hội để học hỏi, kết nối và giải trí, nhưng nếu không được định hướng đúng đắn, mạng xã hội cũng tiềm ẩn nhiều mặt trái, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển tâm sinh lý của trẻ.
Khoảng một tháng trước, cháu Nguyễn Văn N., 5 tuổi, trú tại tổ 23, phường Him Lam (TP. Điện Biên Phủ) có những biểu hiện lạ như: Tần suất chớp mắt nhanh, quấy khóc, cáu gắt, mất ngủ và không hứng thú tham gia các hoạt động vui chơi với bạn bè. Gia đình đã đưa cháu đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh để kiểm tra. Qua thăm khám, bác sĩ chẩn đoán nguyên nhân có thể liên quan đến việc sử dụng điện thoại quá nhiều. Việc tiếp xúc liên tục với màn hình, đặc biệt là vào thời gian trước khi đi ngủ, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến giấc ngủ, hành vi và khả năng giao tiếp xã hội của cháu.

Trẻ em cần được tham gia các hoạt động vui chơi, trải nghiệm theo đúng lứa tuổi để phát triển toàn diện thay vì lệ thuộc, sử dụng các thiết bị điện tử không đúng cách.
Anh Nguyễn Văn Linh, bố cháu N., chia sẻ: Ban ngày cháu vẫn đi học bình thường, nhưng buổi tối vợ chồng tôi phải đi làm muộn, đôi khi mệt mỏi nên cho cháu chơi với điện thoại để dễ quản lý. Ban đầu chỉ vài phút xem hoạt hình, nhưng sau đó cháu đòi xem lâu hơn, có hôm ôm điện thoại cả buổi tối, ăn uống qua loa và thức khuya. Khi không được xem, cháu cáu gắt, khóc lóc, thậm chí giậm chân, ném đồ. Điều lo ngại nhất là cháu ngày càng ít giao tiếp với gia đình, bạn bè...
Không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, mạng xã hội còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ nghiêm trọng khác đối với trẻ em, đặc biệt là nguy cơ bị lừa đảo, dụ dỗ vào những tình huống nguy hiểm. Trường hợp em Giàng Thị A., xã Nà Khoa (huyện Nậm Pồ) là minh chứng. Năm 16 tuổi, A. đã bị một đối tượng quen qua mạng xã hội dụ dỗ, gửi những hình ảnh về cuộc sống giàu có của người em gái hắn đang làm việc ở bên kia biên giới và hứa hẹn công việc nhẹ, lương cao. Tin vào lời hứa, Giàng Thị A. quyết định đi theo đối tượng đến Lào Cai rồi qua cửa khẩu. Tuy nhiên, khi đến nơi, A. mới nhận ra mình bị bán. Nơi đất khách quê người, A. phải chịu đựng bạo hành và làm việc vất vả, cho đến khi may mắn được lực lượng chức năng giải cứu sau khi tìm cách trốn về gần khu vực biên giới.

Giáo dục kỹ năng sống giúp trẻ biết nhận diện đúng - sai, tránh những nguy cơ bị tổn thương trong cuộc sống và không gian mạng.
Trong ảnh: Giáo viên Trường Mầm non Hoa Mai (TP. Điện Biên Phủ) hướng dẫn trẻ bảo vệ bản thân, không nghe theo người lạ.
Thực tế cho thấy, nếu thiếu sự giám sát và định hướng kịp thời, trẻ rất dễ trở thành nạn nhân của những nguy cơ tiềm ẩn trên không gian mạng. Những nguy cơ này không chỉ đến từ các đối tượng xấu mà còn đến từ những trang web, trò chơi trực tuyến, hay những mối quan hệ ảo với bạn bè trên nền tảng mạng xã hội: Zalo, Facebook, Telegram... khiến trẻ dần mất đi khả năng nhận thức về thế giới thực và không phân biệt được đâu là đúng sai.
Ông Nguyễn Cao Thương, Phó Trưởng phòng Quản lý văn hóa và Gia đình (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết: Trước những nguy cơ từ môi trường mạng đối với trẻ em, cơ quan chức năng đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó công tác tuyên truyền, giáo dục nhận thức được đặc biệt chú trọng. Các nội dung tuyên truyền tập trung vào việc cảnh báo và hướng dẫn phòng tránh các hành vi lừa đảo, bạo lực mạng, xâm hại trẻ em qua mạng xã hội; đồng thời được lồng ghép một cách linh hoạt trong các hoạt động sinh hoạt cộng đồng, hệ thống truyền thanh cơ sở và các chương trình văn hóa quần chúng nhằm lan tỏa thông điệp đến mọi tầng lớp nhân dân.

Cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ngối Cáy (huyện Mường Ảng) hướng dẫn thanh thiếu niên trên địa bàn bảo vệ bản thân trước nhiều thông tin xấu, độc trên mạng xã hội.
Tại cơ sở, nhiều hoạt động truyền thông sáng tạo cũng đã được triển khai, thu hút sự tham gia trực tiếp của trẻ em. Tiêu biểu là Hội thi tìm hiểu sáng kiến truyền thông về các vấn đề liên quan đến trẻ em do Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Mường Ảng tổ chức cuối tháng 4 vừa qua, với sự tham gia của hàng trăm học sinh đến từ các trường trung học cơ sở trên địa bàn. Ở hội thi, các em được thể hiện quan điểm, sáng kiến, kiến thức thông qua nhiều hình thức sinh động như: Tiểu phẩm, thơ, vè, thi rung chuông vàng… xoay quanh các chủ đề như phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em, quyền được vui chơi, học tập và sử dụng mạng xã hội an toàn.
Bà Nguyễn Thúy Hà, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Mường Ảng cho biết: Hội thi không chỉ là dịp để học sinh giao lưu, thể hiện sự hiểu biết về các quyền và vấn đề liên quan đến trẻ em, mà còn góp phần nâng cao nhận thức trong cộng đồng về việc lắng nghe tiếng nói của trẻ. Qua đó, chúng tôi mong muốn thúc đẩy vai trò của gia đình, nhà trường và xã hội trong việc tạo dựng môi trường an toàn, thân thiện để trẻ em phát triển, nhất là trong bối cảnh mạng xã hội ngày càng có ảnh hưởng sâu rộng ở nhiều lứa tuổi, trong đó có học sinh.

Học sinh Trường Trung học cơ sở Ẳng Tở mang thông điệp "Lắng nghe trẻ em bằng trái tim, bảo vệ trẻ em bằng hành động" đến Hội thi
tìm hiểu sáng kiến truyền thông về các vấn đề liên quan đến trẻ em.
Song song công tác tuyên truyền, trên tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh tại Kế hoạch số 32/KH-UBND ngày 12/8/2023 về bảo vệ trẻ em trong môi trường mạng cũng như Bộ Quy tắc ứng xử về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng theo Quyết định số 88/QĐ-BTTTT ngày 21/1/2025 của Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan chức năng đã tổ chức nhiều lớp tập huấn cho giáo viên, phụ huynh, thiết lập các kênh tiếp nhận phản ánh từ người dân, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của các nền tảng mạng xã hội, xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành để xử lý hiệu quả các vấn đề phát sinh. Những giải pháp này đã góp phần nâng cao năng lực phòng ngừa, phát hiện và ứng phó với các hành vi xâm hại trẻ em trên không gian mạng.
Quang Long
https://baodienbienphu.vn