Đẩy mạnh chuyển đổi số tạo động lực để phát triển toàn diện
Cũng như các địa phương khác trong cả nước, Điện Biên xác định Chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá trong giai đoạn hiện nay của tỉnh. Với tinh thần thực hiện chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực, lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ, chuyển đổi số đã mang lại nhiều kết quả quan trọng, tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, phát triển toàn diện.
Xác định chuyển đổi số là động lực quan trọng, thúc đẩy sự phát triển của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, hướng đến sự phát triển bền vững, thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Thời gian qua, tỉnh đã tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số trên các lĩnh vực, qua đó đạt được nhiều kết quả quan trọng góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Theo đánh giá mức độ chuyển đổi số (DTI) do Bộ Thông tin và Truyền thông công bố, chỉ số DTI của tỉnh năm 2024 xếp hạng thứ 24/63 tỉnh, thành phố (tăng 13 bậc so với năm 2021).

Điện Biên Khai trương Hệ thống camera giám sát năm 2024.
Nghị quyết số 13-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Điện Biên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 xác định: “Chuyển đổi số là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Thực hiện chuyển đổi số tổng thể, toàn diện trên các lĩnh vực với ba trụ cột là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số”. Trong đó, việc xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số và xã hội số đã có bước đột phá quan trọng. Các cơ quan, đơn vị trong tỉnh chủ động triển khai thực hiện công tác chuyển đổi số phục vụ người dân, doanh nghiệp cũng như tăng cường vận hành, sử dụng các hệ thống công nghệ thông tin với quan điểm thực hiện chuyển đổi số tổng thể, toàn diện trong cấp ủy, chính quyền các cấp, thực hiện mục tiêu “5 không”: Xử lý văn bản không giấy tờ; họp không gặp mặt; giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính không tiếp xúc; thông tin không nhập nhiều lần; thanh toán không dùng tiền mặt và “Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm”. Đồng thời, để triển khai Chiến lược dữ liệu quốc gia, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã phối hợp với các bộ, ngành Trung ương hoàn thiện và “làm giàu” cơ sở dữ liệu quốc gia, bộ ngành, kết nối, tích hợp thông tin của tỉnh với hệ thống, cơ sở dữ liệu quốc gia. Tỉnh cũng đã hoàn thành Cổng dữ liệu mở và các cơ sở dữ liệu (CSDL) chuyên ngành như: CSDL cán bộ công chức viên chức; CSDL ngành Nông nghiệp và Môi trường; Giáo dục và Đào tạo; Tài chính…

Các đại biểu tham quan gian hàng công nghệ tại Ngày hội AI.
Đặc biệt, ngày 6/5/2025 vừa qua, tỉnh Điện Biên đã tổ chức Ngày hội AI với các hoạt động nổi bật như: Phát động Chiến dịch Điện Biên Phủ - Hành trình Phủ AI và Phong trào “Bình dân học vụ số”; Tổng kết khóa tập huấn “Ứng dụng AI thế hệ mới” và vinh danh các dự án xuất sắc… Phát biểu tại Ngày hội, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thành Đô nhấn mạnh: Trí tuệ nhân tạo và chuyển đổi số không chỉ là xu thế tất yếu, mà chính là đòn bẩy chiến lược, là động lực then chốt trong tiến trình phát triển nhanh, bền vững và toàn diện của tỉnh. Đồng chí tin tưởng rằng, với tinh thần đoàn kết, đổi mới và quyết tâm của cả hệ thống chính trị cùng với sự hưởng ứng của toàn thể nhân dân, sẽ góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng chính quyền số – xã hội số – kinh tế số của tỉnh nhà.

Ký kết Thỏa thuận hợp tác giữa tỉnh Điện Biên và Đại học Bách khoa Hà Nội.
Trước đó, tháng 3/2025, UBND tỉnh và Đại học Bách Khoa Hà Nội đã ký kết Thỏa thuận hợp tác, trong đó, ưu tiên phát triển hợp tác trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, tạo ra sản phẩm độc đáo mang thương hiệu Điện Biên. Bên cạnh đó, việc phát triển hệ thống các trung tâm nghiên cứu, thử nghiệm, các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, tập trung cho công nghệ chiến lược; đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ số quốc gia, xây dựng cơ chế hợp tác công – tư để phát triển hạ tầng số hiện đại được tỉnh quan tâm thực hiện. Trung tâm dữ liệu của tỉnh được triển khai theo hướng sử dụng công nghệ điện toán đám mây và là nền tảng hạ tầng quản lý tập trung, đồng bộ, an toàn an ninh thông tin, phục vụ hoạt động cho các phần mềm, nền tảng dùng chung của tỉnh. Ngoài ra Hạ tầng xã hội số được triển khai rộng khắp, 94,4% hộ gia đình được thông báo địa chỉ số; tỷ lệ người dân trưởng thành có điện thoại thông minh đạt trên 70%; doanh nghiệp thực hiện nộp thuế điện tử đạt 98,9%; tổng số đăng ký, cài đặt App công dân số Điện Biên Smart đạt trên 90 nghìn tài khoản; năng suất, chất lượng giải quyết thủ tục hành chính được cải thiện; mức độ hài lòng của người dân ngày một tăng… Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số được xây dựng phù hợp với bối cảnh phát triển của tỉnh và định hướng phát triển của Chính phủ.

Nhân viên kỹ thuật Trung tâm Điều hành thông minh tỉnh giám sát, phân tích dữ liệu phản ánh hiện trường.
Xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ, là động lực quyết định sự phát triển toàn diện của Điện Biên. Ngày 28/4/2025, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch Hành động thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia với mục tiêu đến năm 2030, quy mô kinh tế số đạt 20% GRDP, tầm nhìn đến năm 2045, quy mô kinh tế số đạt 40% GRDP, hướng tới phát triển kinh tế - xã hội bền vững dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và chuyển đổi số. Chỉ số đổi mới sáng tạo, chỉ số chuyển đổi số xếp ở mức khá, một số lĩnh vực đạt mức tốt của cả nước, góp phần đưa Điện Biên trở thành tỉnh có kinh tế, xã hội đạt mức khá của cả nước.
Với quyết tâm chính trị coi chuyển đổi số là nhiệm vụ tất yếu, vừa cấp bách, vừa lâu dài. Tin tưởng rằng, công tác chuyển đổi số ở Điện Biên sẽ có nhiều chuyển biến mới trong những năm tiếp theo, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển nhanh bền vững./.
Ngọc Thủy
https://www.dienbien.gov.vn/