Các phòng, ban, đơn vị thành phố

100%

I. CÁC CƠ QUAN CHUYÊN MÔN

1. Phòng Nội vụ:
Phòng Nội vụ là cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố Điện Biên Phủ có chức năng nhiệm vụ tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân thành phố thực hiện chức năng quản lý nhà nước các lĩnh vực: Tổ chức; Biên chế các cơ quan hành chính, sự nghiệp nhà nước; Cải cách hành chính; Chính quyền địa phương; Địa giới hành chính;  Cán bộ, công chức, viên chức nhà nước; Cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn; Hội, tổ chức phi chính phủ; Văn thư, lưu trữ nhà nước; Tôn giáo; Thi đua - khen thưởng; Công tác thanh niên của các cơ quan, đơn vị, tổ chức thuộc thành phố Điện Biên Phủ theo qui định của pháp luật và phân cấp quản lý ngành, lĩnh vực của UBND Tỉnh.
2. Phòng Tư pháp
Phòng Tư pháp là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân thành phố thực hiện chức năng quản lý nhà nước về: công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật; phổ biến, giáo dục pháp luật; thi hành án dân sự; chứng thực; hộ tịch; trợ giúp pháp lý; hoà giải ở cơ sở và công tác tư pháp khác
3.  Phòng Tài chính- Kế hoạch
Phòng Tài chính - Kế hoạch là cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố Điện Biên Phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các lĩnh vực: tài chính; tài sản; kế hoạch và đầu tư; đăng ký kinh doanh; tổng hợp, thống nhất quản lý về kinh tế hợp tác xã; kinh tế tập thể; kinh tế tư nhân.
4. Phòng Tài nguyên và Môi trường
Phòng Tài nguyên & Môi trường là cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố Điện Biên Phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về: tài nguyên đất, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản; môi trường; khí tượng, thủy văn; đo đạc, bản đồ.
5. Phòng Lao động-Thương binh và xã hội:
Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân thành phố thực hiện quản lý nhà nước về lĩnh vực: lao động; việc làm; dạy nghề; tiền lương; tiền công; bảo hiểm xã hội; bảo hiểm thất nghiệp; an toàn lao động;  người có công; bảo trợ xã hội; bảo vệ và chăm sóc trẻ em; phòng, chống tệ nạn xã hội; bình đẳng giới;
6.  Phòng Văn hóa và Thông tin:
Phòng Văn hóa và Thông tin là cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố Điện Biên Phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các lĩnh vực: văn hoá, gia đình, thể dục, thể thao, du lịch, bưu chính; viễn thông và internet; công nghệ thông tin, hạ tầng thông tin; phát thanh truyền hình; báo chí; xuất bản; thông tin cơ sở; thông tin đối ngoại.
7. Phòng Giáo dục và Đào tạo:
Phòng Giáo dục và Đào tạo là cơ quan chuyên môn thuộc thành phố Điện Biên Phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, bao gồm: mục tiêu, chương trình và  nội dung giáo dục và đào tạo; tiêu chuẩn nhà giáo và tiêu chuẩn cán bộ quản lý giáo dục; tiêu chuẩn cơ sở vật chất, thiết bị trường học và đồ chơi trẻ em; quy chế thi cử và cấp văn bằng, chứng chỉ; bảo đảm chất lượng giáo dục và đào tạo.
8. Phòng y tế:
Phòng Y tế là cơ quan chuyên môn tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân thành phố thực hiện chức năng quản lý nhà nước về chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân, gồm: y tế cơ sở; y tế dự phòng; khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng; y dược cổ truyền; thuốc phòng bệnh, chữa bệnh cho người; mỹ phẩm; vệ sinh an toàn thực phẩm;  bảo hiểm y tế;  trang thiết bị y tế; dân số.
9. Thanh tra:
Thanh tra là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân thành phố Điện Biên Phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong phạm vi quản lý nhà nước của UBND thành phố; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn thanh tra giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật.
10. Văn phòng HĐND và UBND:
Văn phòng HĐND và UBND thành phố Điện Biên Phủ là cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố; tham mưu, tổng hợp cho UBND thành phố về hoạt động của UBND thành phố; tham mưu, giúp UBND thành phố về công tác dân tộc; tham mưu cho Chủ tịch UBND về chỉ đạo, điều hành của Chủ tịch UBND; cung cấp thông tin phục vụ quản lý và hoạt động của HĐND, UBND và các cơ quan nhà nước ở địa phương; đảm bảo cơ sở vật chất, kỹ thuật cho hoạt động của HĐND, UBND thành phố.
11. Phòng Kinh tế:
Phòng Kinh tế là cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố Điện Biên Phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp; thủy lợi, thủy sản, phát triển nông thôn, tiểu thủ công nghiệp, khoa học và cộng nghệ, công nghiệp, thương mại.
12. Phòng Quản lý đô thị
Phòng Quản lý đô thị là cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố Điện Biên Phủ hiện chức năng quản lý nhà nước về kiến trúc; quy hoạch xây dựng; phát triển đô thị; nhà ở và công sở; vật liệu xây dựng; giao thông; hạ tầng kỹ thuật đô thị (gồm: cấp thoát nước; vệ sinh môi trường đô thị; công viên, cây xanh; điện chiếu sáng; rác thải; bến, bãi đỗ xe đô thị).

 

II. CÁC ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP


1. Trung tâm Văn hóa Thông tin-Thể thao:
Trung tâm văn hóa - thông tin - thể thao được thành lập năm 2006, trên cơ sở tách hoạt động và biên chế sự nghiệp ra khỏi hoạt động quản lý nhà nước theo Quyết định số 49/2005/QĐ-BVHTT ngày 13 tháng 9 năm 2005 của Bộ Trưởng Văn hóa, Thể thao ban hành Quy chế mẫu về tổ chức và hoạt động của Trung tâm văn hóa - thông tin cấp huyện. Năm 2010, nhiệm vụ, tổ chức và biên chế tiếp tục được củng cố theo Thông tư số 01/2010/TT-BVHTTDL ngày 26/02/2010 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Hoạt động sự nghiệp công với nhiệm vụ tổ chức phong trào văn hóa, thể thao, thông tin, tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị của thành phố Điện Biên Phủ.
Nội dung hoạt động chủ yếu:
 Phát triển sự nghiệp văn hóa, thể thao; tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội của  địa phương;
Hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác văn hóa, thể thao ở cơ sở;
Tổ chức, cung ứng dịch vụ công; đáp ứng nhu cầu hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao; nhu cầu tiếp nhận thông tin, nâng cao dân trí, nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ văn hóa của nhân dân trên địa bàn. Căn cứ theo chương trình phát triển kinh tế, chính trị văn hoá xã hội của địa phương, kế hoạch công tác của chuyên ngành, phong trào Văn hoá thông tin - TDTT, xây dựng kế hoạch hoạt động ngắn, dài hạn và tổ chức triển khai thực hiện khi được UBND  thành phố phê duyệt.
Tổ chức hoạt động thông tin tuyên truyền, cổ động trực quan về Chủ trương, Đường lối của Đảng, Chính sách, Pháp luật của Nhà nước cũng như nhiệm vụ kinh tế, chính trị - Văn  hoá xã hội của địa phương.
Điều hành tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ, vui chơi giải trí… thành lập các câu lạc bộ, nhóm sở thích, các lớp năng khiếu về nghệ thuật, TDTT ... và các hoạt động khác phù hợp với chức  năng nhiệm vụ quyền hạn được giao.
 Tổ chức liên hoan Hội thi, Hội diễn văn nghệ quần chúng, lễ hội truyền thống. Tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ, phương pháp công tác VHTT ở các xã, phường theo kế hoạch của ngành VHTT&DL và của UBND thành phố.
Tổ chức các giải thi đấu, các hoạt động Thể dục - Thể thao và các trò chơi dân gian và hiện đại mang tính lưu truyền và phổ cập, tổ chức các lớp bồi dưỡng tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ TDTT cơ sở theo kế hoạch của ngành và UBND thành phố.
Phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu Văn hóa - Văn nghệ, Thể dục - Thể thao;
Tổ chức hoạt động thư viện cấp huyện, triển khai xây dựng các tủ sách, phòng đọc tại cơ quan cũng như cơ sở, thường xuyên lập kế hoạch tổ chức các hoạt động ngoại khoá phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt, nghiên cứu, tìm hiểu đối tượng bạn đọc ở địa phương. Tổ chức các dịch vụ, trò chơi có thu trong thư viện;
Tổ chức các hoạt động tác nghiệp chuyên môn, các hoạt động dịch vụ Văn hóa, Thể thao và các hoạt động dịch vụ khác đáp ứng nhu cầu của nhân dân địa phương đảm bảo đúng quy định của pháp luật và phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất của tổ chức sự nghiệp.
 Phối hợp giao lưu, trao đổi hợp tác, học tập về chuyên môn nghiệp vụ và các hoạt động Văn hoá - Thông tin - TDTT với các tổ chức cá nhân trong và ngoài thành phố, trong tỉnh và ngoài tỉnh;
Thực hiện báo cáo định kỳ và báo cáo đột xuất về hoạt động của Trung tâm với các cấp, các ngành liên quan về công tác theo quy định của Pháp luật;
Quản lý viên chức, tài chính và tài sản của đơn vị theo quy định của Pháp luật;
Thực hiện các nhiệm vụ khác do Thành ủy-HĐND- UBND thành phố giao và tổ chức lực lượng, huy động trang thiết bị tham gia các hoạt động nghệ thuật, công tác tuyên truyền do cấp tỉnh tổ chức trên địa bàn;
2. Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất:
Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất được thành lập trên cơ sở tách hoạt động và biên chế sự nghiệp ra khỏi hoạt động quản lý nhà nước theo Luật đất đai năm 2003 và các văn bản qui định, hướng dẫn của Chính phủ, bộ ngành Trung ương; Nghị định 14/CP; Thông tư liên tịch số 38/2004/TTLT-BTN&MT-BNV ngày 31/12/2004 của Bộ Tài nguyên và Môi trường - Bộ Nội vụ về hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất và Tổ chức phát triển quỹ đất. Năm 2009, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất được thành lập trên cơ sở tách nhiệm vụ, biên chế từ phòng Tài nguyên và môi trường thành phố. Tổ chức biên chế của đơn vị từng bước được củng cố đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Nhiệm vụ hoạt động sự nghiệp công trong lĩnh vực quản lý đất đai trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ.
Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất là cơ quan dịch vụ công có chức năng tổ chức thực hiện đăng ký sử dụng đất và chỉnh lý biến động về sử dụng đất; quản lý hồ sơ địa chính gốc; trực tiếp tư vấn trong việc thực hiện thủ tục hành chính về quản lý, sử dụng đất đai theo quy định của pháp luật.
Thực hiện các thủ tục về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn Thành phố Điện Biên Phủ.
Đăng ký, chỉnh lý biến động về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định pháp luật đối với cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam.
Chỉnh lý hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu thuộc tính địa chính đối với tất cả các thửa đất trên địa bàn thành phố; kiểm tra việc cập nhật và chỉnh lý hồ sơ địa chính của Ủy ban nhân dân cấp xã.
Cung cấp số liệu địa chính cho cơ quan có chức năng xác định mức thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, các loại thuế có liên quan đến đất đai và tài sản khác gắn liền với đất đối với người sử dụng, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất là cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam.
Quản lý lưu trữ cơ sở dữ liệu địa chính, bản đồ địa chính, Sổ Mục kê, Sổ theo dõi biến động đất đai, Sổ cấp Giấy chứng nhận; hồ sơ cấp Giấy chứng nhận, bản lưu, bản sao Giấy chứng nhận và các giấy tờ khác trong quá trình thực hiện nhiệm vụ theo quy định.
Thực hiện trích đo địa chính thửa đất, khu đất và tài sản gắn liền với đất, kiểm tra chất lượng tài liệu trích đo địa chính thửa đất, do người sử dụng đất cung cấp trước khi sử dụng, quản lý.
Thống kê, kiểm kê đất đai và lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất cấp huyện, cấp xã.
Cung cấp trích lục bản đồ địa chính, trích sao hồ sơ địa chính và các thông tin khác về đất đai, tài sản gắn liền với đất, phục vụ yêu cầu quản lý Nhà nước và nhu cầu của cộng đồng.
Thực hiện việc thu phí, lệ phí và các dịch vụ về cung cấp thông tin đất đai, tài sản gắn liền với đất, trích đo địa chính thửa đất, khu đất, biên tập bản đồ địa chính, trích lục bản đồ địa chính, trích sao hồ sơ địa chính theo quy định pháp luật.
Quản lý viên chức, người lao động, tài chính và tài sản thuộc Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất theo quy định pháp luật.
Thực hiện các chế độ báo cáo theo quy định hiện hành.
Thực hiện nhiệm vụ khác do UBND thành phố triển khai giao nhiệm vụ.
3. Tổ chức phát triển quỹ đất:
Tổ chức phát triển quỹ đất thành phố có chức năng tổ chức thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; phát triển các khu tái định cư; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng trên đất; tham mưu đấu giá quyền sử dụng đất; đấu thầu dự án có sử dụng đất; tạo quỹ đất để đấu giá quyền sử dụng đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; quản lý quỹ đất đã thu hồi, đã nhận chuyển nhượng, đã tạo lập, phát triển và thực hiện dịch vụ trong lĩnh vực bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Tạo quỹ đất và phát triển quỹ đất để đấu  giá quyền sử dụng đất; phục vụ phát triển kinh tế, giáo dục, đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể dục thể thao, môi trường và các nhu cầu khác của tỉnh; ổn định thị trường bất động sản;
Nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất (kể cả đất có tài sản gắn liền với đất của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân phục vụ công tác giải phóng mặt bằng, tạo lập và phát triển quỹ đất theo quy định của pháp luật;
Tổ chức phát triển các khu, điểm và nhà tái định cư phục vụ việc thu hồi đất thực hiện các dự án. Tổ chức thực hiện đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng trên quỹ đất đã được giao quản lý để đấu giá;
Quản lý quỹ đất đã được giải phóng mặt bằng, quỹ đất đã nhận chuyển nhượng, quỹ đất đã tạo lập và phát triển quỹ nhà đất đã xây dựng để phục vụ tái định cư và quỹ đất thu hồi theo quy định tại các khoản 2,3,4,5,6,7,8,9,10,11 và 12 Điều 38 của Luật Đất đai thuộc khu vực đô thị, khu vực có quy hoạch phát triển đô thị nhưng chưa giao dự án đầu tư hoặc chưa đấu  giá quyền sử dụng đất;
Tổ chức thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đối với quỹ đất được giao quản lý theo quy định của pháp luật;
Lập phương án sử dụng quỹ đất được giao quản lý và các phương án, đề án đầu tư tạo lập và phát triển quỹ đất trình cơ quan có thẩm quyền quyết định;
Cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực bồi thường, giải phóng mặt bằng; cung cấp thông tin về địa điểm đầu tư, giá đất, quỹ đất cho các tổ chức, cá nhân theo yêu cầu;
Tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ theo chương trình, kế hoạch, phương án, đề án được cấp có thẩm quyền phê duyệt và các hoạt động dịch vụ phù hợp với nhiệm vụ, lĩnh vực chuyên môn được giao;
Quản lý cán bộ, viên chức, người lao động và tài sản, tài chính thuộc Tổ chức phát triển quỹ đất theo quy định của pháp luật;
Thực hiện chế độ báo cáo thực hiện nhiệm vụ về các lĩnh vực công tác được giao với UBND thành phố Điện Biên Phủ và cơ quan liên quan;
Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật và do UBND thành phố giao phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Tổ chức phát triển quỹ đất.
4. Ban quản lý dự án:
Là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND thành phố tự đảm bảo 100% kinh phí hoạt động từ nguồn kinh phí quản lý của các dự án. Nhiệm vụ của đơn vị là giúp UBND thành phố trực tiếp quản lý các công trình dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng do UBND thành phố được giao làm chủ đầu tư và các dự án từ ngân sách thành phố theo phân công của UBND thành phố.
Hoạt động chính của đơn vị gồm: Lập và trình phê duyệt kế hoạch các dự án đầu tư trên địa bàn; Thực hiện chuẩn bị thủ tục đầu tư theo trình tự các bước: chuẩn bị đầu tư, triển khai dự án, kết thúc dự án bàn giao công trình vào sử dụng và quyết toán dự án hoàn thành; Thực hiện công tác giám sát, quản lý dự án, thanh quyết toán kinh phí dự án theo qui định của pháp luật.
Ban quản lý dự án thành phố Điện Biên Phủ thực hiện nhiệm vụ quản lý dự án đầu tư trên địa bàn gồm: Các dự án đầu tư xây dựng do UBND tỉnh Điện Biên quyết định đầu tư và các dự án do UBND thành phố quyết định đầu tư. Thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Chủ đầu tư về quản lý thực hiện dự án từ khi có chủ trương và được giao nhiệm vụ quản lý dự án đến khi bàn giao đưa vào sử dụng. Bao gồm các hoạt động: Lập dự án; Quản lý điều hành dự án, giám sát - quản lý giám sát kỹ thuật hoặc các nhiệm vụ khác của Chủ đầu tư theo quy định của Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của các luật có liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản và các quy định hiện hành của Nhà nước.
5. Đội quản lý trật tự đô thị:
Là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND thành phố. Từ khi được thành lập luôn được sự quan tâm đầu tư, phát triển mạnh về quy hoạch, xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Cùng với sự phát triển đô thị, dân cư đô thị tăng nhanh, tình trạng vi phạm các quy định của nhà nước về quy hoạch kiến trúc, xây dựng, đất đai, vành đai bảo vệ di tích lịch sử, cảnh quan môi trường đô thị và trật tự an toàn giao thông đô thị của các tổ chức, cá nhân diễn ra khá phức tạp;
Để kịp thời phát hiện, phối hợp ngăn chặn những hành vi vi phạm hành chính, đồng thời tham mưu, đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm các hành vi vi phạm hành chính trong các lĩnh vực: trật tự xây dựng, sử dụng đất đai, trật tư giao thông đô thị, bảo vệ di tích lịch sử, cảnh quan môi trường đô thị, đưa công tác quản lý đô thị đi vào nền nếp; xây dựng đô thị ngày càng sạch đẹp, phát triển thành đô thị trung tâm của vùng Tây Bắc là nhiệm vụ trọng tâm, cấp thiết của địa phương.
Đội Trật tự đô thị có chức năng tham mưu giúp UBND thành phố kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn, phối hợp xử lý kịp thời các hành vi vi phạm hành chính về: trật tự xây dựng, sử dụng đất đai, bảo vệ di tích lịch sử; trật tự giao thông đô thị, cảnh quan môi trường đô thị.
Tuyên truyền phổ biến, hướng dẫn mọi công dân thực hiện tốt và đầy đủ Quy chế quản lý đô thị và các văn bản pháp luật có liên quan;
Kiểm tra lập biên bản, yêu cầu ngừng thi công và đề nghị UBND thành phố;  các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.
Đội quản lý trật tự đô thị hoạt động trên cơ sở pháp luật có liên quan đến công tác quản lý trật tự đô thị (Quản lý xây dựng, đất đai, môi trường…); quy chế quản lý đô thị của UBND thành phố Điện Biên Phủ;
Phối hợp với UBND các xã, phường khi có yêu cầu để kiểm tra, áp dụng các biện pháp ngăn chăn vi phạm hành chính kịp thời, đúng pháp luật. Phối hợp thực hiện các Quyết định cưỡng chế, Quyết định xử phạt hành chính;
Thực hiện chế độ báo cáo theo quy định hiện hành về tình hình thực hiện nhiệm vụ trong các lĩnh vực công tác được giao;
Quản lý viên chức, người lao động và tài chính, tài sản thuộc đơn vị theo quy định của pháp luật.
6. Đài Truyền thanh-Truyền hình:
Thực hiện Thông tư liên tịch số 17/TTLT-BTTTT-BNV ngày 27 tháng 7 năm 2010 của Bộ Thông tin - Truyền thông và Bộ Nội vụ; Quyết định số 910/QĐ-UBND ngày 12 tháng 9 năm 2011 của UBND Tỉnh về việc chuyển giao chức năng quản lý nhà nước đối với Đài truyền thanh-truyền hình cấp huyện, thị xã, thành phố từ Đài tỉnh về UBND các huyện, thị xã, thành phố quản lý.
Đài Truyền thanh - Truyền hình Thành phố là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố Điện Biên Phủ thực hiện chức năng là cơ quan tuyên truyền của Đảng bộ, chính quyền Thành phố.
Nhiệm vụ: Sản xuất và phát sóng các chương trình truyền thanh bằng tiếng Việt trên hệ thống loa truyền thanh, thiết bị phát sóng phát thanh nhằm tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tập trung vào sự chỉ đạo, điều hành của chính quyền địa phương, các hoạt động tại cơ sở, phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật, kinh tế, văn hóa, xã hội, công tác an ninh trật tự, gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến tới nhân dân theo quy định của pháp luật.
Tiếp sóng và phát sóng các chương trình của Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh phục vụ nhu cầu tiếp nhận thông tin của nhân dân theo quy định của pháp luật.
Trực tiếp quản lý hệ thống kỹ thuật chuyên ngành để thực hiện việc tiếp sóng, phát sóng các chương trình phát thanh, truyền hình theo quy định của pháp luật.
Phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình cấp tỉnh sản xuất các chương trình phát thanh, truyền hình phát sóng trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh.
Quản lý, vận hành các đài phát lại truyền hình, đài phát sóng phát thanh trên địa bàn theo sự phân công. Hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ kỹ thuật đối với Đài Truyền thanh xã, phường trên địa bàn thành phố.
Quản lý, sử dụng lao động, tài sản, ngân sách và nguồn thu từ dịch vụ; thực hiện chính sách đối với viên chức và người lao động thuộc phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật.

Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ và đột xuất theo yêu cầu của cơ quan quản lý cấp trên. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Ủy ban nhân dân thành phố giao.

 

Thứ 4 Ngày 19/2/2020, 10:13:24 PM
°