Chuyện bảo vệ rừng ở Nà Pen

Đăng ngày 11 - 05 - 2025
100%

Từng là điểm “nóng” về nạn phá rừng của xã Nà Nhạn, TP. Điện Biên Phủ, nhưng đến nay, hơn 250 hộ dân ở bản Nà Pen đã thay đổi nhận thức, quyết tâm chăm sóc, bảo vệ rừng.

Cán bộ kiểm lâm phụ trách địa bàn trao đổi với người dân bản Nà Pen về công tác tuần tra, kiểm soát rừng.

Khu vực Nà Pen được đánh giá là một trong những vùng có rừng già với diện tích rộng lớn, trữ lượng gỗ nhiều nhất trên địa bàn xã. Tuy nhiên, xuất phát từ nhu cầu lấy gỗ làm nhà, chuồng trại chăn nuôi, nguồn củi đốt, ý thức bảo vệ rừng của một số người dân còn thấp; sự thờ ơ, buông lỏng trong công tác quản lý, bảo vệ rừng đã dẫn đến một thực trạng nhiều năm liền rừng ở Nà Pen bị người dân địa phương ồ ạt mang cưa xăng, dao rựa lên “xẻ thịt,” khai thác gỗ trái phép, đốn hạ cây rừng để khai hoang diện tích làm nương.

Còn nhớ, vào giữa năm 2011, lợi dụng quy hoạch khai hoang ruộng nước, lâm tặc đã ngang nhiên vào đốn hạ khoảng 5ha cây rừng tự nhiên có tuổi đời vài chục, thậm chí vài trăm năm tuổi ở Nà Pen. Đầu năm 2019 bản Nà Pen lại tiếp tục nổi lên là một trong những địa bàn phức tạp về tình trạng phá rừng trái pháp luật khi hàng chục cây gỗ đường kính gốc từ 20 - 55cm bị cắt hạ, khai thác trái phép. Trong năm 2022, có đến 7 vụ vi phạm về hành vi phá rừng trái pháp luật xảy ra tại khu vực bản Nà Pen.

Trước thực trạng trên, đẩy mạnh tuyên truyền và tăng cường quản lý, tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm là những giải pháp cơ bản được các ngành chức năng, địa phương tích cực thực hiện nhằm ngăn chặn hành vi xâm phạm tài nguyên rừng ở Nà Pen.

Một ngày đầu tháng 5, chúng tôi đến bản Nà Pen khi hơn 100 người dân đang tập trung tại nhà văn hóa bản để nghe tuyên truyền pháp luật về công tác bảo vệ rừng. Bằng cách thức truyền tải ngắn gọn, gần gũi, dễ hiểu, đồng chí Trần Minh Quân, Hạt phó Hạt Kiểm lâm TP. Điện Biên Phủ đã trực tiếp phổ biến tới người dân bản Nà Pen các quy định, chỉ đạo về chống chặt phá rừng, phòng cháy chữa cháy rừng; giải thích cho bà con hiểu thế nào là các hành vi xâm hại, phát, phá rừng trái pháp luật, phân biệt 3 loại rừng, diện tích nào là được phép trồng rừng…

Người dân bản Nà Pen nghe tuyên truyền pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng.

“Những buổi tuyên truyền các quy định về bảo vệ, phát triển rừng, phòng cháy chữa cháy rừng sẽ góp phần mang lại hiệu quả trong việc thay đổi hành vi, nhận thức của người dân về bảo vệ rừng. Cùng với đó, chúng tôi chú trọng đổi mới nội dung tuyên truyền sát với thực tiễn và hình thức đa dạng, phong phú để người dân dễ tiếp cận, dễ hiểu và đồng tình hưởng ứng” - đồng chí Trần Minh Quân cho biết.

Cuối năm 2022, thông qua công tác tuyên truyền, vận động cộng đồng bản Nà Pen đã thống nhất trích một phần tiền từ nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng của bản để dựng chốt quản lý, bảo vệ rừng (chốt tuần tra, kiểm soát) tại khu vực đầu nguồn rừng Nà Pen. Đây là điểm dừng chân cho các tổ tuần tra có chỗ trú mưa, nghỉ ngơi trong thời gian đi tuần tra.

Anh Lê Trung Hòa, kiểm lâm phụ trách địa bàn xã Nà Nhạn cho biết: Từ ngày chốt quản lý, bảo vệ rừng được dựng lên, công tác tuần tra, kiểm soát khu vực đầu nguồn rừng Nà Pen được triển khai hiệu quả hơn. Trước đây, việc đi tuần tra khu vực này được thực hiện trong 1 ngày nên nhiều điểm sẽ không thể kiểm soát sâu sát, chặt chẽ. Còn bây giờ, nhiều chuyến đi tuần tra, kiểm soát kéo dài sang tận hôm sau, các thành viên trong tổ đi tuần tra, kiểm soát cũng yên tâm hơn khi được ngủ tại chốt. Địa bàn tuần tra, kiểm soát cũng được mở rộng hơn.  

Cộng đồng bản Nà Pen có 254 hộ với 1.265 nhân khẩu, được giao quản lý, bảo vệ hơn 824ha rừng phòng hộ. Rừng Nà Pen là rừng hỗn giao có nhiều loại cây, ngoài tre trúc còn có các loại cây gỗ lớn khác như dẻ, vối thuốc, thồ lộ…

Để công tác quản lý, bảo vệ rừng được hiệu quả, bản Nà Pen đã thành lập 12 tổ bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng, mỗi tổ có từ 20 - 22 thành viên thực hiện tuần tra, bảo vệ rừng. Việc tuần tra có thể độc lập hoặc phối hợp với lực lượng kiểm lâm, các tổ chức đoàn thể của xã. Do số lượng các tổ bảo vệ rừng đông, tất cả lại đều có tinh thần trách nhiệm cao với nhiệm vụ của mình nên ngày nào Nà Pen cũng có người đi tuần tra bảo vệ rừng, kịp thời ngăn chặn các trường hợp gây nguy hại đến rừng. Mới đây nhất, vào tháng 4 vừa qua đã phát hiện kịp thời một hộ dân trong bản trong quá trình làm nương đã lấn vào đất rừng gây thiệt hại hơn 200m2 rừng phòng hộ. Người vi phạm ngay sau đó đã bị xử phạt vi phạm 5 triệu đồng, đồng thời buộc người vi phạm phải tiến hành khôi phục lại hiện trạng ban đầu của rừng.

Tổ bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng bản Nà Pen phối hợp đi tuần tra, phát cây bụi trên diện tích rừng được giao quản lý.

Ông Vàng A Tống, Trưởng bản Nà Pen chia sẻ: Trước đây, diện tích rừng trên địa bàn bản thường xuyên bị xâm hại do nhận thức của người dân còn hạn chế; đặc biệt việc tuần tra, kiểm soát, quản lý và bảo vệ rừng của bản còn lơ là, chủ quan, chưa có sự thống nhất. Được nghe tuyên truyền nhiều lần, nhìn thấy hiệu quả việc bảo vệ rừng từ các bản khác, cũng như thấy được những tác hại của việc phá rừng thì ý thức, trách nhiệm bảo vệ rừng của người dân ngày càng chuyển biến tích cực. Năm 2024, bản Nà Pen không xảy ra vụ phá rừng trái pháp luật nào. Tháng 4 vừa qua có xảy ra 1 vụ phá rừng và người vi phạm đã bị xử phạt nghiêm khắc theo quy định của pháp luật.

Dẫu biết rằng công cuộc giữ rừng ở Nà Pen nói riêng và nhiều địa bàn vùng sâu, vùng xa của tỉnh nói chung còn nhiều gian nan, thử thách. Để giữ được rừng, ngoài sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp thì nhân dân đóng một vai trò rất quan trọng. Khi ý thức, trách nhiệm bảo vệ rừng của mỗi người dân được nâng cao thì câu chuyện phá rừng, khai thác, buôn bán và vận chuyển lâm sản trái quy định sẽ không phải vấn đề khó giải quyết. Song hành với đó, cần hơn cả là sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền trong việc tuyên dương, động viên kịp thời các hộ dân tích cực trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Có như vậy, vai trò của mỗi người dân trong công tác quản lý, bảo vệ rừng mới được phát huy.

Thu Hằng

Tin mới nhất

Chi nhánh NHCSXH tỉnh Điện Biên: Tổ chức tập huấn nghiệp vụ tín dụng cho Ban quản lý Tổ và Trưởng...(16/05/2025 9:10 CH)

Nỗ lực giảm áp lực tồn kho(15/05/2025 11:06 CH)

Giá điện tăng, áp lực mới(14/05/2025 11:49 CH)

Triển khai kế hoạch thực hiện đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số ngành Nông nghiệp và Môi trường(11/05/2025 4:43 CH)

Chuyện bảo vệ rừng ở Nà Pen(11/05/2025 4:38 CH)

Khai trương Khách sạn Mường Thanh Luxury(08/05/2025 11:41 CH)

Khởi công xây dựng nhà Chữ thập đỏ tại phường Nam Thanh(08/05/2025 11:29 CH)

Người tiêu dùng ngại đấu tranh khi quyền lợi bị xâm phạm(30/04/2025 4:42 SA)

Chủ động kiểm soát thị trường thực phẩm chức năng(30/04/2025 4:36 SA)

Khảo sát, đánh giá các tiêu chí thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới năm 2025 tại xã Mường Phăng(30/04/2025 3:19 SA)

Phường Nam Thanh: Tập huấn tuyên truyền kiến thức phong trào sản xuất kinh doanh giỏi các cấp(29/04/2025 10:55 CH)

Khảo sát thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới tại xã Nà Nhạn, Nà Tấu(26/04/2025 10:01 CH)

Thúc đẩy động lực đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế(25/04/2025 11:09 CH)

Hội nghị phổ biến, niêm yết công khai các Quyết định phê duyệt phương án điều chỉnh, bổ sung(15/04/2025 4:39 CH)

Gần 280ha lúa đông - xuân nhiễm bệnh đạo ôn lá(13/04/2025 5:16 CH)

Bản Kê Nênh xã Thanh Minh tu sửa đường vào khu sản xuất (13/04/2025 4:57 CH)

Chi nhánh NHCSXH tỉnh Điện Biên giải ngân cho người chấp hành xong án phạt tù vay vốn phát triển...(10/04/2025 11:21 CH)

Gỡ khó các dự án trọng điểm(02/04/2025 5:01 CH)

Tạo môi trường thông thoáng cho doanh nghiệp và nhà đầu tư(28/03/2025 3:59 CH)

Chi nhánh NHCSXH tỉnh Điện Biên tổ chức tập huấn cho Ban quản lý Tổ, Trưởng các bản trên địa bàn...(22/03/2025 5:38 CH)

<< < 1 2 3 4 5  ... > >> 
Thứ 4 Ngày 19/2/2020, 10:13:24 PM
°