Tháng Năm đã về, mảnh đất Điện Biên lại trở thành điểm đến của du khách, tìm về miền đất với niềm tự hào của cả dân tộc. 71 năm trôi qua kể từ Chiến thắng Điện Biên Phủ, lòng chảo Điện Biên vẫn vang vọng khí thế hào hùng năm xưa. Mỗi tấc đất nơi đây như vẫn in dấu chân, giọt mồ hôi, máu và nước mắt của những người lính, dân công, những con người đã góp phần làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Du khách trở về các điểm di tích lịch sử Điện Biên Phủ ôn lại những trang sử hào hùng của dân tộc. Trong ảnh: Du khách lên tham quan di tích Đồi A1
Hơn bảy thập kỷ đã qua, nhưng những di tích lịch sử của chiến trường xưa vẫn được gìn giữ trở thành trang sử hào hùng, bản hùng ca bất diệt trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta. Ngày nay, Điện Biên không chỉ là một địa danh gắn liền với lịch sử mà còn là điểm đến thiêng liêng với du khách trong và ngoài nước. Vào mỗi dịp tháng Năm, từng dòng người lại đổ về mảnh đất Điện Biên để tưởng nhớ và tri ân.
Với nhiều người dân Điện Biên, niềm tự hào về quê hương gắn liền với lịch sử vẻ vang của dân tộc. Bạn Hoàng Hương Ly, một người con của TP. Điện Biên Phủ chia sẻ rằng, mỗi lần đến thăm bảo tàng và các di tích là một lần nhắc nhở bản thân về sự hy sinh to lớn của thế hệ cha ông. Dù đã từng đến những nơi ấy nhiều lần, nhưng mỗi chuyến đi đều là một hành trình cảm xúc, là dịp để tưởng niệm và thể hiện lòng biết ơn sâu sắc.
“Em cảm thấy vô cùng tự hào khi được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này. Em sẽ cố gắng học tập và rèn luyện thật tốt để không phụ sự hy sinh của những người đi trước, góp phần xây dựng quê hương ngày càng phát triển” - bạn Ly tâm sự.
Chiến tranh lùi vào quá khứ hơn 7 thập kỷ nhưng mỗi khi nhắc đến trận địa khốc liệt Điện Biên Phủ, ai ai cũng bồi hồi, xúc động. Càng tự hào hơn khi 71 năm sau, chiến trường Điện Biên Phủ hằn sâu vết bom đạn ngày nào, nay đã khoác trên mình tấm áo mới, ngày càng văn minh, hiện đại trong thời kỳ đổi mới và phát triển. Cùng với sự đổi mới, phát triển, tỉnh Điện Biên đang nỗ lực đẩy mạnh các hoạt động tri ân, đền ơn đáp nghĩa, tuyên truyền giáo dục, góp phần tiếp lửa truyền thống tới đông đảo người dân và du khách. Để nhắc nhở lớp lớp thế hệ mai sau không quên công lao của những người đã hy sinh tại chiến trường Điện Biên Phủ.
Cô Kiều Thanh Huyền, Hiệu trưởng Trường Mầm non Thanh Trường (TP. Điện Biên Phủ) chia sẻ: “Thông qua các hoạt động tham quan di tích lịch sử, chúng tôi muốn khơi dậy trong trẻ lòng tự hào dân tộc, tình yêu quê hương đất nước. Khắc sâu truyền thống yêu nước và biết ơn các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh để các em có tuổi thơ hạnh phúc dưới mái trường. Từ đó, các con sẽ ý thức hơn trong học tập, rèn luyện để lớn lên xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp”.

Nhằm giáo dục truyền thống yêu nước cho trẻ, Trường Mầm non Thanh Trường đã tổ chức hoạt động tri ân các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ A1.
Không chỉ người dân Điện Biên, mà với mọi du khách, khi đến với mảnh đất lịch sử Điện Biên Phủ, được tận mắt chứng kiến những kỷ vật chiến tranh, tới từng điểm di tích lịch sử, đều trào dâng một cảm xúc, niềm tự hào về sự chiến đấu, hy sinh anh dũng của quân và dân ta trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Bởi nơi đây đã ghi dấu ấn lịch sử trường tồn, một mốc son chói lọi của cả dân tộc Việt Nam khi đánh bại đế quốc thực dân, giành độc lập tự do cho dân tộc. Đến Điện Biên vào những ngày tháng 5 và tham quan các điểm di tích trên chiến trường xưa, cựu chiến binh Lưu Văn Chấn đến từ tỉnh Vĩnh Phúc cảm nhận rõ khí phách đấu tranh ngoan cường của thế hệ cha ông đã làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Ông Chấn xúc động bày tỏ: “Chúng tôi cảm thấy rất tự hào về thế hệ ông cha của chúng ta. Đằng sau chiến thắng Điện Biên Phủ là biết bao gian khổ, máu và nước mắt của hàng vạn chiến sĩ và dân công hỏa tuyến. Chính sự hy sinh quên mình ấy đã làm nên một mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc. Từ đó hình thành một Điện Biên đổi mới, vươn mình mạnh mẽ nhưng vẫn vẹn nguyên giá trị lịch sử thiêng liêng như ngày hôm nay”.
Những ngày tháng Năm lịch sử, cả nước hướng về Điện Biên - mảnh đất thiêng liêng đã làm nên chiến thắng vang dội, góp phần thay đổi cục diện cuộc kháng chiến chống thực dân xâm lược. Dòng người từ khắp mọi miền Tổ quốc, ở nhiều lứa tuổi, không phân biệt thế hệ, đã tìm về nơi đây với tấm lòng tri ân sâu sắc. Trong số họ, có không ít người sinh ra và lớn lên trong thời bình, chưa từng chứng kiến chiến tranh nhưng vẫn mong muốn được tận mắt tham quan di tích, nhìn thấy hiện vật, lắng nghe những câu chuyện hào hùng, để hiểu rõ hơn về 56 ngày đêm lịch sử, để cảm nhận bằng trái tim về sự hy sinh to lớn của quân và dân ta.
Chia sẻ cảm xúc sau khi tham quan các hiện vật và bức tranh panorama, anh Đoàn Bảo Khánh, du khách đến từ Hà Nội cho biết: “Lần đầu tiên đến với Điện Biên, tôi vô cùng xúc động. Được nghe kể về những chiến công của cha ông, tôi cảm thấy mình thật may mắn khi sống trong thời bình. Chúng tôi là thế hệ trẻ hôm nay cần ghi nhớ công lao to lớn ấy và cố gắng học tập, lao động, góp phần xây dựng đất nước. Quan trọng hơn, chúng tôi sẽ truyền ngọn lửa yêu nước ấy cho thế hệ mai sau”.

Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ trở thành "địa chỉ đỏ" giáo dục truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ.
71 năm đã trôi qua kể từ chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng, nhưng mảnh đất lịch sử này vẫn vẹn nguyên giá trị thiêng liêng, là biểu tượng của ý chí kiên cường và tinh thần bất khuất của cả dân tộc Việt Nam. Những chứng tích hào hùng nơi đây như lời nhắc nhở thế hệ hôm nay về sự hy sinh anh dũng của cha ông vì độc lập, tự do. Trong không khí tháng Năm lịch sử, niềm tự hào ấy càng dâng trào, trở thành động lực để mỗi người con đất Việt gìn giữ và phát huy truyền thống vẻ vang, xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh.
Phạm Quang