Thực hiện hợp nhất các tỉnh, thành phố trong cả nước, kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện trên toàn quốc từ ngày 1/7/2025, tiến hành sắp xếp đơn vị hành chính xã, phường… là những quyết sách mang tính lịch sử đã được thông qua tại Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Chủ trương, quyết sách đã có, hệ thống chính trị trong cả nước cần khẩn trương hiện thực hóa quyết sách lịch sử vào đời sống, không để công việc bị gián đoạn.
Trung tâm tỉnh Điện Biên - nơi lưu dấu ấn di tích lịch sử Chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu
Kết luận tại hội nghị quán triệt, triển khai chủ trương trên, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, đây là hội nghị mang tính lịch sử quyết sách những vấn đề rất quan trọng, đột phá trong giai đoạn cách mạng mới, tạo ra khí thế mới, xung lực mới cho sự nghiệp đổi mới toàn diện, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới. Khi chủ trương đã rõ, phương án, kế hoạch, lộ trình đã triển khai, các cơ quan, đơn vị, địa phương khẩn trương xác định những công việc cần làm ngay, bắt tay thực hiện ngay sau hội nghị quán triệt.
Hiện nay, các địa phương đang triển khai lấy ý kiến nhân dân việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, đảm bảo đạt mục tiêu quyết sách đã đề ra. Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, thời điểm cuối tháng 12/2024, cả nước có 10.035 đơn vị cấp xã và 696 đơn vị cấp huyện; trong đó có 2 thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, 84 thành phố thuộc tỉnh, 53 thị xã, 49 quận và 508 huyện (11 huyện đảo). Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 11 xác định sáp nhập các tỉnh, thành phố trong cả nước từ 63 tỉnh, thành hiện nay còn 34 tỉnh, thành gồm 28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương. Thực hiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp gồm cấp tỉnh và xã, không còn cấp huyện. Đồng thời sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã bảo đảm cả nước giảm khoảng 60 - 70% số lượng so với hiện nay. Sắp xếp tinh gọn hợp nhất cơ quan Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở cấp Trung ương, cấp tỉnh và cấp xã. Kết thúc hoạt động của công đoàn viên chức, công đoàn lực lượng vũ trang. Yêu cầu trong quá trình sắp xếp, tinh gọn tổ chức, bộ máy phải bảo đảm sâu sát cơ sở, địa bàn, chăm lo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.
Thực hiện chủ trương sáp nhập, tỉnh Điện Biên có 10 đơn vị hành chính cấp huyện, 129 xã, phường, thị trấn. Diện tích toàn tỉnh hơn 9.540km2, dân số 653.422 người (thời điểm tháng 4/2024), mật độ dân số chỉ 68 người/km2. Trong khi đó đường biên giới Việt - Lào, Việt - Trung thuộc địa bàn tỉnh dài hơn 455km với địa hình núi cao, vực sâu. Triển khai quyết sách lịch sử, Điện Biên là địa phương không sáp nhập cấp tỉnh song diện tích rộng, mật độ dân cư thưa, địa bàn chủ yếu vùng cao, biên giới dài với 19 dân tộc, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Căn cứ đặc điểm địa phương, tỉnh đã xây dựng phương án sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã từ 129 xã, phường, thị trấn giảm còn 42 xã, 3 phường (giảm 65,1%). Do đó, khu vực biên giới, vùng cao khi sáp nhập xã diện tích rộng, kết cấu hạ tầng chưa được đầu tư, điện chiếu sáng, kết nối thông tin chưa đồng bộ… là những trở ngại trong triển khai quản lý dân cư, phát triển kinh tế - xã hội. Đây là những vấn đề cần giải pháp, lộ trình cụ thể để việc sắp xếp, sáp nhập, vận hành hệ thống chính trị đạt hiệu quả.

Điện Biên có đường biên giới dài hơn 455km, địa hình chủ yếu núi cao, vực sâu.
Trong ảnh: Tuổi trẻ Điện Biên tại Cột mốc A Pa Chải nơi giao nhau biên giới 3 nước Việt Nam - Lào - Trung Quốc. Ảnh: Sầm Phúc
Mục tiêu cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy và sắp xếp đơn vị hành chính, tổ chức chính quyền địa phương hai cấp là chuyển trạng thái từ thụ động phục vụ nhân dân sang tích cực chủ động phục vụ nhân dân, với định hướng chính quyền phải gần dân, sát dân, hiểu dân. Tất cả vì lợi ích chung của đất nước, vì nhân dân được đặt lên cao nhất từ Trung ương tới địa phương khi triển khai quyết sách lịch sử. Đây là nội dung được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh tại hội nghị quán triệt, triển khai chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy. Đặc điểm địa hình, dân cư mỗi địa phương khác nhau, miền núi khác đồng bằng nên khi sắp xếp, sáp nhập phải tính đến những yếu tố tác động để có phương án phù hợp.

Với 19 dân tộc, mỗi dân tộc có nét văn hóa đặc sắc tạo nên sự đa dạng, phong phú trong đời sống văn hóa tại Điện Biên.
Trong ảnh: Diễn thực cảnh “Huyền tích U Va” của dân tộc Thái tại xã Noong Luống. Ảnh: Mai Giáp
Quyết sách tinh gọn tổ chức bộ máy phải thực hiện khẩn trương, quyết liệt nhưng rất nhạy cảm, phức tạp khi liên quan tới nhân sự; tác động trực tiếp đến công việc, quyền lợi của cán bộ, công chức, viên chức. Không còn cấp huyện nên phải xem xét bố trí công việc đối với lực lượng đội ngũ cán bộ dôi dư; trong khi đó cấp xã cũng tiến hành sáp nhập nên số lượng nhân sự dôi dư càng lớn. Trên địa bàn tỉnh, đội ngũ cán bộ không chuyên trách cấp xã đang rất lo lắng nguy cơ mất việc trong khi chưa có quy định về chế độ, chính sách đối với đội ngũ này. Ngay tại địa bàn huyện biên giới Mường Nhé, lực lượng cán bộ không chuyên trách cấp xã 118 người, cấp thôn bản 331 người và 224 người trực tiếp tham gia công việc ở thôn bản. Phần lớn đội ngũ cán bộ không chuyên trách bày tỏ nguyện vọng tiếp tục cống hiến, làm việc song với lực lượng cán bộ, viên chức cấp huyện, sáp nhập cấp xã đang dôi dư rất lớn nên bố trí công việc rất khó.
Thực hiện quyết sách lịch sử chắc chắn tác động đến tâm tư, tình cảm, công việc của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Tuy nhiên vì mục tiêu cao nhất phát triển đất nước, nâng cao đời sống nhân dân, việc bố trí cán bộ phải thật sự công tâm, khách quan, minh bạch; giao quyền gắn với trách nhiệm và tăng cường kiểm soát quyền lực. Hạn chế thấp nhất tình trạng mất đoàn kết, tiêu cực khi sắp xếp, sáp nhập, tinh gọn tổ chức bộ máy và xây dựng chính quyền địa phương hai cấp.
Hà Anh