Nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng ký ức về những ngày tháng hào hùng vẫn vẹn nguyên trong tâm trí những người lính Cụ Hồ năm xưa. Với các cựu chiến binh (CCB) tỉnh Điện Biên, đó là niềm tự hào sâu sắc, là dấu ấn không thể phai trong hành trình bảo vệ và giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.
Thiếu tướng Lưu Trọng Lư (giữa), Chủ tịch Hội CCB tỉnh ôn lại kỷ niệm khi tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh với đồng đội.
Dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), tỉnh Điện Biên có 5 đại biểu tham gia Lễ kỷ niệm, diễu binh, diễu hành tại TP. Hồ Chí Minh. Trong những ngày tháng Tư lịch sử, nhiều kỷ niệm thiêng liêng, xúc động về “một thời hoa lửa” lại sống dậy trong tâm trí những CCB từng tham gia chiến đấu. Thiếu tướng Lưu Trọng Lư, Chủ tịch Hội CCB tỉnh là một trong 5 người được tham gia Lễ kỷ niệm, diễu binh, diễu hành. Ông nhập ngũ tháng 9/1973 khi mới 18 tuổi, mang theo nhiệt huyết của tuổi trẻ và khát vọng cống hiến cho sự nghiệp giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Trải qua hai chiến dịch lớn: Tây Nguyên và Hồ Chí Minh, ký ức về những năm tháng chiến đấu gian khổ vẫn còn in đậm trong tâm trí ông.
Thiếu tướng Lưu Trọng Lư chia sẻ: “Tuy điều kiện thời đó thiếu thốn nhưng tinh thần chiến đấu của chúng tôi luôn sục sôi. Ai cũng xác định sẽ đối mặt với hiểm nguy, thậm chí cái chết, nhưng lòng căm thù giặc và khát khao hòa bình đã tiếp thêm sức mạnh để vượt qua tất cả”.
Sau khi hoàn thành huấn luyện, ông được biên chế vào Trung đoàn 148, Sư đoàn 316. Đầu năm 1975, đơn vị ông tham gia Chiến dịch Tây Nguyên mở màn cho cuộc tổng tiến công mùa xuân. Tại Buôn Ma Thuột, đơn vị ông thực hiện nhiệm vụ trinh sát, đảm bảo thông tin liên lạc và dẫn đường cho Trung đoàn 148 tấn công Sở Chỉ huy Trung đoàn 53 của Ngụy quân. Với chiến công xuất sắc, ông được trao tặng danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ” khi vừa tròn 20 tuổi.
Sau thắng lợi ở Tây Nguyên, đơn vị của ông tiếp tục hành quân thần tốc, tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh với nhiệm vụ chốt chặn, không cho địch rút chạy về Sài Gòn. Nhớ lại thời khắc lịch sử, Thiếu tướng Lư xúc động chia sẻ: “Dù chiến trường gian khổ, quân ta vẫn kiên cường chiến đấu bằng ý chí sắt đá, lòng yêu nước và niềm tin tất thắng, quyết tâm hoàn thành chiến dịch lịch sử, thống nhất đất nước”.
Những ngày khói đạn bao trùm miền Nam, ông cùng các đồng đội của mình đã trải qua bao gian khổ, mất mát để rồi được đền đáp bằng chiến thắng vẻ vang của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Hồi tưởng về không khí ngày giải phóng, Thiếu tướng Lư vẫn chưa hết bồi hồi, xúc động: “Trưa ngày 30/4/1975, khi chính trị viên thông báo tin chiến thắng, quân ta đã tiến vào Dinh Độc Lập, miền Nam hoàn toàn giải phóng, cả đơn vị đang đứng chân ở Củ Chi như vỡ òa. Anh em ôm chặt lấy nhau, nhiều người đã khóc không chỉ vì vui mừng trước chiến thắng lịch sử mà còn vì nhớ thương những đồng đội đã mãi mãi ra đi. Bởi có người đã ngã xuống trước thời khắc đất nước hoàn toàn thống nhất chỉ vài giây phút. Trong giờ phút chiến thắng thiêng liêng ấy, niềm vui và nỗi đau quyện vào nhau, để rồi khắc sâu trong tâm trí người lính suốt cả cuộc đời”.

CCB Nguyễn Quang Bích lưu giữ nhiều kỉ vật gắn với Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Chia tay Chủ tịch Hội CCB tỉnh, chúng tôi gặp CCB Nguyễn Quang Bích, phường Tân Thanh (TP. Điện Biên Phủ) - người vinh dự được tham gia tham gia Lễ kỷ niệm, diễu binh, diễu hành tại TP. Hồ Chí Minh. Trong căn nhà khang trang, với những tấm huân, huy chương danh giá, ông Bích khẳng định, để có cuộc sống thanh bình như ngày hôm nay, không biết bao nhiêu xương máu của đồng bào, đồng chí đã đổ xuống. Câu chuyện đó cho chúng tôi thấy một thực tế vô cùng gian khổ, ác liệt trong chiến tranh mà quân và dân ta đã trải qua để giành lại độc lập, tự do.
Ông Bích tâm sự: “Thời điểm chiến tranh diễn ra khốc liệt, đế quốc Mỹ tàn ác giết hại đồng bào ta. Căm phẫn trước tội ác của kẻ thù, năm 1974, tôi viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Chiến trường miền Nam như đổ lửa, sự sống và cái chết cách nhau trong gang tấc. Với quyết tâm chiến thắng kẻ thù xâm lược, năm 1975, tôi và đồng đội đã trực tiếp tham gia chiến đấu trong Chiến dịch Huế - Đà Nẵng, sau đó là Chiến dịch Hồ Chí Minh với nhiệm vụ của một người lính trinh sát, thuộc Lữ đoàn 219, Quân đoàn 2”.
Dù đã 50 năm trôi qua với bao bộn bề của cuộc sống, nhưng chưa khi nào ông Bích quên được ký ức về những trận đánh, về đồng đội ở chiến trường giải phóng miền Nam năm ấy. Điều đặc biệt hơn là trong không khí của ngày đại thắng, ông Bích còn gặp được người thân của mình. “Cuộc chiến diễn ra khốc liệt, không khi nào tôi có thể tưởng tượng về cuộc hội ngộ của 3 anh em, chú cháu tại chiến trường. Khi đó, tôi ở Đại đội Trinh sát, Thuyết (người em họ của ông Bích - PV) ở Đại đội Thông tin; còn chú Trình (chú của ông Bích - PV) là nhân viên quân khí của đơn vị, gặp nhau trong thời khắc của ngày giải phóng, cả ba chú cháu ôm chầm lấy nhau, mừng rỡ. Đó là một kỷ niệm thiêng liêng, hiếm có giữa muôn trùng hiểm nguy lại có niềm vui hội ngộ như tiếp thêm sức mạnh để chúng tôi tiếp tục thực hiện nhiệm vụ” - ông Bích bày tỏ.
Chuyện mà các CCB kể, chúng tôi - những người của thế hệ sinh ra trong thời bình có thể không hiểu hết được những nỗi đau, sự mất mát do chiến tranh gây ra, nhưng có thể cảm nhận: Để có hòa bình hôm nay, bao người lính phải đánh đổi bằng máu, bằng tuổi xuân, bằng cả những giấc mơ chưa kịp hoàn thành...

Những kỷ vật gắn liền với ký ức về một thời khói lửa được các CCB lưu giữ cẩn thận.
Theo thống kê của Hội CCB tỉnh, hiện nay toàn tỉnh có hơn 17.500 hội viên; trong đó có trên 4.330 CCB tham gia kháng chiến chống Mỹ. Cùng với biết bao CCB từ mọi miền Tổ quốc, họ cũng đã từng tình nguyện nhập ngũ, cầm súng chiến đấu chống giặc Mỹ xâm lược làm nên thắng lợi vĩ đại của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Chiến công oanh liệt năm xưa đã trở thành trang sử vàng chói lọi trong cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, khắc sâu trong ký ức các cựu chiến binh Điện Biên từng góp sức vào ngày thống nhất non sông. Dù quê gốc ở Điện Biên, Lai Châu hay các vùng miền khác, họ đều chung một lý tưởng cao đẹp. Giờ đây, trong thời bình, họ tiếp tục cống hiến, cùng xây dựng mảnh đất Điện Biên anh hùng ngày càng phát triển, giàu đẹp, xứng đáng với truyền thống hào hùng của quê hương.
Phạm Quang