ĐBP - Thời gian gần đây, kinh doanh cà phê mang đi (cafe take away) đang là xu thế mới tại Điện Biên do khách hàng ưu tiên sự nhanh chóng, tiện lợi và tiết kiệm thời gian. Với chi phí vận hành rẻ, lợi nhuận ổn định cùng nhu cầu khách hàng khá cao, mô hình này ngày càng phát triển trên địa bàn tỉnh.
Quầy cà phê của chị Đỗ Thị Oanh, tổ 7, phường Thanh Bình, TP. Điện Biên Phủ trở thành địa chỉ quen thuộc của nhiều khách hàng là tài xế.
Từng chỉ bán cà phê tại chỗ song chị Đỗ Thị Oanh, ở tổ 7, phường Thanh Bình, (TP. Điện Biên Phủ) đã lựa chọn mở quầy bán cà phê theo xu hướng “take away” bởi chi phí vận hành rẻ, tiếp cận được nhiều khách hàng. Chị Oanh đã khởi xướng mô hình kinh doanh cà phê mang đi đầu tiên của tỉnh và trở thành địa chỉ quen thuộc đối với nhiều khách hàng. Sau hơn một năm hoạt động, mô hình này khẳng định được sức hút với nhiều khách hàng trong ngành vận tải, lưu động. Các sản phẩm chủ yếu như: Cà phê muối đỏ, cà phê nâu, cà phê đen, bạc xỉu và cacao muối, với giá mỗi ly dao động từ 20 - 25 nghìn đồng. Trung bình, chị Oanh tiêu thụ khoảng 100 ly cà phê mỗi ngày, phục vụ chủ yếu cho tài xế xe tải, xe khách và ô tô con lưu thông trên tuyến đường đi huyện Mường Chà, Mường Nhé và TX. Mường Lay.
Nhiều khách hàng là lái xe vận tải lưu thông trên tuyến đường đi huyện Mường Chà, Mường Nhé và TX. Mường Lay dừng chân bên đường mua cà phê mang đi.
Thời gian qua, chị Oanh còn tích cực đào tạo nghề bằng hình thức online và trực tiếp cho 7 học viên; trong đó có cả những người từ Trung Quốc.
Chị Đỗ Thị Oanh cho biết: Học viên của tôi sau khi học nghề có ngày bán được trên 70 ly như một bạn học viên ở TX. Mường Lay. Đặc biệt, dịp diễn ra Lễ hội Đua thuyền đuôi én tại thị xã năm vừa rồi, sau khi trừ chi phí có học viên đã thu về khoảng 2 triệu đồng/ngày.
Hiện nay, chị Oanh còn phát triển dịch vụ cà phê đóng chai, gửi sản phẩm đến các huyện lân cận để mở rộng thị trường tiêu thụ. Tuy quầy bán đơn giản, giá đồ uống thấp nhưng khâu an toàn vệ sinh đến nguồn gốc thực phẩm luôn được quan tâm. Tại quầy bán, chị Oanh trang bị các lớp kính chống bụi, vệ sinh thiết bị pha chế, đặc biệt là lựa chọn nguyên liệu đảm bảo chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ để khách hàng yên tâm thưởng thức.
Dù diện tích xe cà phê khiêm tốn nhưng anh Lò Văn Khải vẫn trang bị đầy đủ nguyên liệu và dụng cụ pha chế cần thiết
Còn với anh Lò Văn Khải (quê ở xã Keo Lôm, huyện Điện Biên Đông) dù có diện tích xe cà phê khiêm tốn nhưng vẫn trang bị được đầy đủ nguyên liệu và dụng cụ cần thiết để pha chế. Theo anh Lò Văn Khải, chỉ cần một chiếc xe máy và chi phí khoảng 5 triệu đồng mua sắm nguyên liệu, đóng tủ cà phê, anh đã có thể bắt đầu công việc kinh doanh “cafe take away”.
“Tôi bán cà phê mang đi đã được hơn 3 tháng. Mỗi ngày, tôi dừng xe ở tuyến đường Võ Nguyên Giáp, đoạn trước cổng Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Sở dĩ tôi đứng ở đây vì mỗi sáng tuyến đường này rất đông người qua lại; trung bình mỗi ngày bán được 50 - 60 ly cà phê, trừ chi phí thu về khoảng 7 - 10 triệu đồng/tháng” - anh Khải cho hay.
Anh Lò Văn Khải bán “cafe take away” tại tuyến đường Võ Nguyên Giáp, TP. Điện Biên Phủ.
Cà phê mang đi hay còn gọi là “cafe take away” du nhập vào Việt Nam từ năm 2004, song phải đến giữa năm 2012, xu hướng kinh doanh này mới thực sự phát triển và tạo được sức hút, tác động đến thói quen của người dân.
Tại Điện Biên, xu hướng kinh doanh này chủ yếu đang phát triển mạnh ở đô thị, nhất là khu vực TP. Điện Biên Phủ với gần 20 điểm bán. Theo khảo sát, đồ uống tại những quầy cà phê mang đi có giá thấp hơn so với các quán cà phê từ 5 - 10 nghìn đồng/ly vì mô hình kinh doanh này cắt giảm được nhiều chi phí như: Mặt bằng, nhân công, điện, nước hay khấu hao tài sản…
Trò chuyện với nhiều khách hàng “ruột” của “cafe take away” được biết: So với các hình thức kinh doanh cà phê truyền thống thông thường, “cafe take away” có nhiều ưu điểm trở thành xu hướng phổ biến và được khách hàng yêu thích. Đó là tính linh hoạt và tiện lợi của mô hình này. Với nhịp sống hiện đại hối hả, một ly cà phê “ngon - bổ - rẻ” chỉ với vài phút pha chế và thuận tiện mang đi đã đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Ngoài ra, cộng hưởng sự phát triển bùng nổ của các dịch vụ giao hàng đồ ăn thì mô hình này dễ dàng tiếp cận và “chiều lòng” khách hàng qua các hình thức thanh toán ví trực tuyến, giao hàng nhanh gọn sau khi đặt hàng.
Trên nhiều tuyến phố, mô hình cà phê mang đi trở thành xu thế trong thời gian gần đây.
Kinh doanh “Cafe take away” đã trở thành mô hình có sức hút, mang lại điều thú vị với người tiêu dùng. Do tính thuận tiện, giá rẻ, nhanh chóng nên hiện nay “chiếc xe cà phê mang đi” có mặt trên nhiều tuyến phố; trở thành kế sinh nhai của nhiều người và tạo ra xu hướng thưởng thức cà phê mới mẻ.