Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, yêu cầu khách quan trong bối cảnh hiện nay. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh ta đã có nhiều chủ trương, giải pháp thực hiện chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực. Với sự vào cuộc quyết liệt, chủ động của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, kết quả mang lại trong chuyển đổi số khá tích cực.
Nổi bật trong thực hiện Đề án 06 trên địa bàn tỉnh 9 tháng qua là: Hệ thống Cơ sở dữu liệu quốc gia về dân cư luôn bảo đảm “đúng, đủ, sạch, sống”; Công tác thu nhận hồ sơ căn cước cơ bản hoàn thành (xếp thứ 3 toàn quốc về kết quả thu nhận hồ sơ), thu nhận tài khoản định danh đạt 97,4%, kích hoạt tài khoản định danh đạt 95%; Tiếp nhận và giải quyết trực tuyến đối với 25 TTHC thiết yếu theo Đề án 06 đạt 96%; Làm sạch dữ liệu Bảo hiểm xã hội, Lao động - Thương binh và Xã hội đạt 88%... Một số Ban chỉ đạo Đề án 06 cấp huyện hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Đề án đạt tỷ lệ cao như: Thị xã Mường Lay, Tuần Giáo, Tủa Chùa…
Thành quả rõ nhất trong Chuyển đổi số là việc cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan hành chính Nhà nước, tổ chức chính trị xã hội; công nhân, người lao động tại doanh nghiệp… đã lập tài khoản ngân hàng, nhận tiền lương và các khoản phụ cấp khác qua tài khoản; chi tiêu không dùng tiền mặt. Tại nhiều chợ, cửa hàng kinh doanh tạp hoá, cửa hàng tiện lợi… cũng thực hiện Kinh tế số, hạn chế sử dụng tiền mặt trong các giao dịch mua bán hàng hoá. Số lượng doanh nghiệp nộp thuế điện tử đạt trên 97,9%; Tỷ trọng giá trị tăng thêm của Kinh tế số trong GRDP là 9,46%...
Với người trưởng thành dùng điện thoại thông minh ngày càng nhiều. Hạ tầng xã hội số được quan tâm, có trên 80% hộ gia đình đã được thông báo địa chỉ số; trên 50% dân số từ 15 tuổi trở lên có tài khoản thanh toán điện tử, với đa dạng các hình thức thanh toán trực tuyến qua thẻ, thanh toán qua internet banking, Mobile banking, Mobile Money… Tỷ lệ người dân được tiếp cận, hướng dẫn, đào tạo và sử dụng bình đẳng các dịch vụ thiết yếu (chính quyền số, y tế, giáo dục, thông tin, thương mại điện tử, khoa học công nghệ, tài nguyên môi trường, nông nghiệp) ngày một tăng.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được thì vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Một số sở, ngành, Ban Chỉ đạo cấp huyện còn chưa chủ động trong công tác kiểm tra, đánh giá, đôn đốc việc thực hiện các nhiệm vụ Đề án 06, nên dẫn đến có những chỉ tiêu, nhiệm vụ đạt tỷ lệ thấp, chậm muộn, chưa đảm bảo tiến độ đề ra. Vai trò của Cơ quan Thường trực tại một số đơn vị cấp huyện, cấp xã chưa phát huy hiệu quả trong kiểm đếm công việc, tham mưu tháo gỡ các “điểm nghẽn”…
Nguyên nhân, Điện Biên là tỉnh miền núi, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao, trình độ dân trí và điều kiện tiếp cận các ứng dụng công nghệ thông tin của người dân còn hạn chế. Nhiều khu vực dân cư sinh sống chưa được phủ sóng điện thoại, thông tin di động 3G, 4G; một số thôn, bản chưa có điện lưới quốc gia…
Trang thiết bị, cơ sở hạ tầng phục vụ cho việc số hoá hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính, nhất là tại cấp xã của một số địa phương còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang “thẩm thấu” vào mỗi gia đình, người dân, từ nhận thức, suy nghĩ đến hành động trực tiếp. Tận dụng, áp dụng khoa học công nghệ trong các hoạt động hàng ngày sẽ giúp kết quả Đề án 06 “cán đích” đúng hẹn. Chuyển đổi số một cách sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả sẽ thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh, bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
Chủ đề Ngày Chuyển đổi số quốc gia và Ngày Chuyển đổi số tỉnh Điện Biên năm 2024 là “Phổ cập hạ tầng số và sáng tạo ứng dụng để phát triển kinh tế số - Động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động”, do vậy, trong thời gian tới, lãnh đạo các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND cấp huyện, xã; các Ban chỉ đạo Đề án 06 từ tỉnh xuống xã căn cứ các nội dụng, nhiệm vụ được giao, khẩn trương kiểm đếm, đánh giá kết quả, chỉ tiêu, tiến độ thực hiện; chủ động kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho cấp cơ sở, không để tồn tại kéo dài, gây ảnh hưởng đến tiến độ chung của tỉnh.
Đặc biệt chú ý đến những chỉ tiêu đạt thấp như: Công tác chi trả không dùng tiền mặt cho các đối tượng an sinh xã hội (mới đạt 87,6%); người hưởng lương hưu và trợ cấp hàng tháng (mới đạt 61,5%); Tỷ lệ dân cư trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử cá nhân (mới đạt hơn 30%)… Song song với đó cần gắn trách nhiệm người đứng đầu với kết quả thực hiện các nhiệm vụ của Đề án 06 theo phương châm “rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ kết quả, rõ trách nhiệm” và “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, “nêu khó khăn để tìm giải pháp chứ không nêu khó khăn để thoái thác”. Lấy kết quả thực hiện các nhiệm vụ của Đề án 06 là một trong những tiêu chí để đánh giá, bình xét thi đua, khen thưởng vào cuối năm và công tác cán bộ.
Tùng Lĩnh