Phát huy nghề truyền thống gắn với bảo tồn di sản văn hóa

Đăng ngày 16 - 06 - 2025
100%

Là tỉnh đa sắc màu văn hóa các dân tộc, Điện Biên có nhiều nghề truyền thống đã được công nhận, đồng thời đây cũng là di sản văn hóa cần được bảo tồn, gìn giữ, truyền nối để nét đẹp này còn mãi.

Người dân xã Nà Tấu (TP. Điện Biên Phủ) bày bán sản phẩm mây tre đan truyền thống

Kho tàng giàu bản sắc

Điện Biên có nhiều nghề truyền thống gắn liền với bản sắc văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc trên địa bàn. Tuy nhiên đến nay, mới có 12 nghề truyền thống, 1 làng nghề và 1 làng nghề truyền thống được UBND tỉnh ra quyết định công nhận.

Với sự độc đáo, một số hoạt động ngành nghề cũng đã được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, như: Nghề làm giày thêu của người Hoa (Xạ Phang); nghệ thuật tạo hoa văn trên trang phục truyền thống của người Mông hoa; nghệ thuật chế tác và múa khèn của người Mông; nghề làm bánh khẩu xén, bánh chí chọp của người Thái trắng Mường Lay; nghệ thuật làm trang phục của người Hà Nhì; nghề rèn của người Mông; nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Lào…

Riêng tại huyện Tủa Chùa, cuối năm 2024 có 4 nghề truyền thống được UBND tỉnh công nhận. Trong đó, có chế tác khèn Mông thôn Súng Ún, xã Mường Báng. Trước đó, tháng 1/2022, “Tri thức dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian nghệ thuật khèn của người Mông tỉnh Điện Biên” đã được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Được biết nghề chế tác khèn Mông có từ rất lâu đời, gắn liền với cuộc sống đời thường, bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Mông.

Ông Thào A Lử, Trưởng thôn Súng Ún cho biết: “Nghề chế tác khèn Mông được truyền từ đời này sang đời khác, gắn với bản sắc văn hóa của người dân tộc Mông. Hiện thôn Súng Ún chỉ có 2 người tham gia làm nghề truyền thống này, nhưng chiếc khèn là nhạc cụ không thể thiếu trong các hoạt động biểu diễn văn hóa, nghệ thuật của chúng tôi, trong các lễ hội, đặc biệt là lễ cưới hỏi, ma chay nên rất cần được gìn giữ, truyền dạy”.

Quy trình làm ra chiếc khèn Mông tương đối tỉ mỉ, đòi hỏi bàn tay khéo léo và kiên nhẫn. Ông Chang A Vàng, nghệ nhân làm khèn Mông của thôn Súng Ún chia sẻ: “Khèn Mông gồm 3 phần. Phần thân chính phải dùng gỗ Pơ Mu, gọt giũa theo hình thù đã định sẵn, sau đó khoét lỗ bên trong thân và các lỗ nhỏ. Phần ống làm từ tre với 1 ống to và 5 ống nhỏ có chiều dài khác nhau. Cuối cùng là phần lưỡi bằng đồng đỏ được cắt tỉ mỉ theo âm lượng của từng ống. Sau đó lắp các bộ phận vào hoàn chỉnh. Nói thì đơn giản nhưng để 1 chiếc khèn ra đời mất rất nhiều thời gian và công sức”.

Không riêng nghề chế tác khèn mà mỗi nghề truyền thống đều đòi hỏi nhiều tâm huyết, mang tình yêu và niềm tự hào tộc người. Sản phẩm nghề chứa đựng cả tâm tình của cộng đồng; là minh chứng cho sự tài hoa, khéo léo, sáng tạo của đồng bào các dân tộc; làm phong phú thêm bức tranh văn hóa đa sắc màu.

Gìn giữ và trao truyền

Có “kho báu” ấy, các địa phương đã và đang có những hành động cụ thể để gìn giữ và trao truyền. Năm 2024, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, UBND huyện Tủa Chùa đã tổ chức nhiều lớp truyền dạy nghề, trong đó có 3/4 nghề truyền thống (khi đó đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận), bao gồm: Truyền dạy chế tác khèn Mông, truyền dạy nghề rèn của người Mông, truyền dạy nghề làm giày thêu của người Hoa. Tuy nhiên các lớp truyền dạy nghề vẫn chưa thu hút được nhiều người trẻ tuổi và sau khi kết thúc không nhiều học viên duy trì thực hành nghề.

Đây cũng là khó khăn chung trong việc gìn giữ nghề truyền thống. Với nghề mây, tre đan của đồng bào dân tộc Thái cũng vậy. Nghề mây, tre đan bản Nà Tấu 1, xã Nà Tấu (TP. Điện Biên Phủ) là một trong những nghề truyền thống được công nhận đầu tiên tại tỉnh ta. Đầu tháng 6 mới đây, kỹ thuật mây, tre đan của đồng bào Thái tỉnh ta được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Những tưởng người dân Nà Tấu 1 đang tưng bừng đón nhận niềm vui, có thêm động lực và cơ hội để bảo tồn và phát triển nghề truyền thống. Thế nhưng, ông Lò Văn Cương, nguyên Giám đốc Hợp tác xã Mây, tre đan Nà Tấu, bùi ngùi chia sẻ: “Hợp tác xã giải thể từ tháng 5. Để duy trì và phát triển nghề, chúng tôi đã gặp không ít khó khăn do không có thị trường tiêu thụ ổn định, nguồn vốn đầu tư hạn hẹp, nguyên liệu ngày càng khan hiếm và thiếu hụt nhân lực. Thanh niên hiện nay không mấy mặn mà với nghề truyền thống. Những người thành thạo đan lát ở khu vực này đều đã cao tuổi. Không biết trở thành di sản văn hóa phi vật thể, nghề đan lát mây, tre có điều kiện phát triển hơn không”.

Đan mây, tre là nghề truyền thống có từ lâu đời, được người Thái trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Các sản phẩm được làm ra rất phong phú với nhiều nhóm sản phẩm như: Đồ dùng trong các hoạt động tín ngưỡng, đồ dùng sinh hoạt gia đình, đồ dùng trong lao động sản xuất. Mặc dù trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều bà con dân tộc Thái duy trì hoạt động đan mây, tre nhưng Hợp tác xã Mây, tre đan Nà Tấu từng được biết đến nhiều nhất, là điển hình và được kỳ vọng gìn giữ, phát triển nghề truyền thống theo hướng thương mại, gắn với du lịch, trở thành sinh kế bền vững cho người dân.

Việc Hợp tác xã giải thể có thể thấy việc phát triển nghề mây, tre đan nói riêng, các nghề truyền thống trên địa bàn nói chung trong cuộc sống hiện đại còn là bài toán khó tại tỉnh ta. Để nét đẹp văn hóa ấy được duy trì, truyền nối, mà xa hơn là người dân sống được với nghề truyền thống thì cần nhiều hơn sự chủ động vực dậy của cộng đồng bản địa và quan tâm định hướng, hỗ trợ, đầu tư nguồn lực của các cấp chính quyền, cơ quan chuyên môn.

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền

Tin mới nhất

Phát huy nghề truyền thống gắn với bảo tồn di sản văn hóa(16/06/2025 11:26 CH)

Giải Pickleball gia đình tỉnh Điện Biên lần thứ I năm 2025(11/06/2025 1:48 SA)

Giữ bản sắc du lịch đô thị Điện Biên Phủ(28/05/2025 2:36 CH)

Khơi dậy tính sáng tạo của thanh thiếu niên nhi đồng(28/05/2025 2:27 CH)

Trao thưởng giải Cầu lông, Pickleball CNVCLĐ tỉnh Điện Biên năm 2025(25/05/2025 3:14 SA)

Xây dựng cơ sở dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình(25/05/2025 2:56 SA)

Chung tay bảo vệ môi trường sống xanh(24/05/2025 1:53 SA)

Sẵn sàng cho Ngày Olympic Trẻ em năm 2025(24/05/2025 1:40 SA)

Khai mạc Giải Cầu lông, Pickleball công nhân, viên chức, lao động tỉnh Điện Biên năm 2025(22/05/2025 11:08 CH)

Khai thác tiềm năng du lịch(22/05/2025 11:02 CH)

Hội Người cao tuổi Thành phố Điện Biên Phủ: giao lưu văn nghệ, dưỡng sinh, dân vũ(22/05/2025 10:33 CH)

Chi nhánh NHCSXH tỉnh Điện Biên tổ chức phiên giao dịch xã tại UBND xã Pá Khoang(19/05/2025 11:53 CH)

Chi nhánh NHCSXH tỉnh Điện Biên: Tổ chức tập huấn nghiệp vụ tín dụng cho Ban quản lý Tổ và Trưởng...(16/05/2025 9:10 CH)

Chiếu phim miễn phí nhân Tháng hành động Vì trẻ em năm 2025(15/05/2025 11:37 CH)

Ngôi nhà của những đứa trẻ đặc biệt(15/05/2025 11:19 CH)

Tỉnh đoàn tập huấn triển khai lấy ý kiến đối với dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013(15/05/2025 11:11 CH)

Thêm 2 di tích thành phần của Di tích Quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ được công nhận...(13/05/2025 9:43 CH)

(Infographic) Phòng chống đuối nước trong dịp hè(13/05/2025 9:42 CH)

Động lực phát triển giáo dục vùng khó(13/05/2025 9:27 CH)

Thường trực Tỉnh ủy gặp mặt Đoàn đại biểu dự Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ toàn quốc lần thứ X(12/05/2025 10:53 CH)

<< < 1 2 3 4 5  ... > >> 
Thứ 4 Ngày 19/2/2020, 10:13:24 PM
°